“Biết mấy trăm năm rồi Tháp nắng, biển bên kia và Tháp trắng bên này. Biết mấy vạn đời rồi Tháp đứng, trên đồi hoang như dấu lặng chơi vơi…Tháp hoang trên đồi hoang, không một bụi cây, không một làn mây, chỉ một loài hoa. Tháp vẫn đó, thì thầm với gió, hương hoa bay, lòng ta đắm say”…
Mỗi lần nghe những ca từ trong bài hát, lòng tôi lại bồi hồi, tự hào về những ngôi đền Tháp huyền bí của đồng bào mình. Những lời ca trong tác phẩm “Tháp nắng” của nhạc sĩ Phan Quốc Anh nhẹ nhàng sâu lắng, phác họa nét đẹp hoang sơ, cổ kính của Tháp Chàm làm say đắm lòng người. Tháp Chàm, nơi tập trung tinh hoa, nơi thờ cúng tôn nghiêm, trang trọng của đồng bào Chăm. Đặc biệt là vào dịp lễ hội Katê đang đến thật gần, bài hát ấy khiến cho những đứa con xa quê càng thêm lưu luyến và nhanh chóng trở về với gia đình.
Tháp Poklong Garai vui đón lễ hội Ka tê. Ảnh: Văn Miên
Một mùa Katê nữa lại bắt đầu, Tháp Poklong Garai hân hoan chào đón du khách gần xa đến thăm và chung vui với niềm vui đồng bào Chăm. Trong số 22 làng Chăm ở tỉnh ta, có 15 làng Chăm đón Katê, vì thế lễ hội Katê càng trở nên nhôn nhịp, vui hơn. Trải dài trên những ngõ ngách, con hẻm của các thôn, làng Chăm ấy, nhà nhà trang hoàng, sửa sang nhà cửa đón mùa Katê yên bình và đâu đó, không thể thiếu những làn điệu dân ca Chăm du dương vang vọng trên khắp play.
Vào ngày 4-10 tới đây, đồng bào Chăm các làng kéo nhau về hội tụ tại đền Tháp Poklong Garai. Katê, đền tháp được “đánh thức” bởi sự tôn nghiêm của các nghi lễ: Lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp... Hàng ngàn bà con người Chăm, du khách trong và ngoài tỉnh tập trung về đây, bởi họ, mong muốn một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí trong đền Tháp cổ kính, khám phá nét văn hóa trong cộng đồng người Chăm. Hôm ấy, trên đồi, bên cạnh những ngôi tháp uy nghi, sừng sững, tiếng trống Ghi-năng, tiếng kèn Saranai, trống Paranưng hòa chung với nhau khiến những điệu múa của các thiếu nữ Chăm càng rực rỡ màu sắc.
Góp phần làm thành công cho lễ hội là hình ảnh các cô các mẹ, các chị em trong chiếc áo dài truyền thống dân tộc, dịu dàng, thướt tha cùng các anh, các chú với bộ “xiêm y” mang đậm nét Chăm, những em nhỏ với nụ cười tươi tắn, đôi mắt thơ ngây khép nép bên mẹ, mang lễ vật lên tháp cúng, cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gia đình gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Tiếng cười nói hân hoan của những người bạn, đứa con đi xa gặp lại nhau, rộn ràng cả một vùng. Tất cả hòa quyện, là âm thanh của những niềm vui.
“Tháp hoang trên đồi hoang, gió về cùng mây nắng về cùng hoa, xao động lòng ta ngàn năm tháp nắng… Poklong Garai”
Minh Khai
Nguồn: Báo Ninh Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét