Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam”

15 tháng 10, 2013

Ý tưởng Bảo tàng Đại tướng

Nhìn dòng người dàinhư vô tận xếp hàng viếng Đại tướng, chúng tôi thấy sự kính trọng của người dân với người thật vô bờ. Mà khi dân đã mến, đã tin thì sức dân sẽ vô cùng mạnh mẽ.

Thượng tá Trần Thanh Hằng đang ký nhận bàn giao hiện vật tại nhà
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu
Vậy có nên lập ra một tổ chức tự nguyện để thu thập thêm nhiều hiện vật tài liệu và cả vật chất để bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sớm hình thành.
Âm thầm chuẩn bị
Trong những ngày đồng bào cả nước với tất cả lòng thành kính hướng chuẩn bị cho lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều người, từ các vị tướng lĩnh quân đội, đến các nhà khoa học, những cựu chiến binh và cả những người dân bình dị đều bày tỏ mong muốn có một bảo tàng Võ Nguyên Giáp.
Khi được hỏi về tâm nguyện, mong muốn của mình về Đại tướng, trung tướng Phạm Hồng Cư tâm sự: “Tôi mong muốn có bảo tàng mang tên Võ Nguyên Giáp. Đây không phải là ý kiến của riêng tôi mà là ý kiến của các cựu chiến binh”. Còn giáo sư Vũ Khiêu thì nói một câu ngắn gọn: “Thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp là cố nhiên, tất yếu, không phải tôi muốn mà là cả đất nước muốn”.
Thật ra, vấn đề xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp không phải bây giờ mới đặt ra.
Từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) đã nhen nhóm kế hoạch xây dựng một bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không dừng lại là ý tưởng hay kế hoạch trên giấy mà đã bắt tay vào thực hiện trên thực tế.
Biết rằng đối với bất cứ bảo tàng nào thì việc trước tiên và quan trọng bậc nhất là sưu tầm hiện vật và xây dựng những bộ sưu tập đặc trưng, nhóm cán bộ bảo tàng quân đội đã âm thầm bắt tay vào công việc này.
Nhóm cán bộ được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại tá Phạm Đức Đại, giám đốc Bảo tàng Quân đội thời kỳ này. Ông là một người rất ngưỡng mộ Đại tướng và luôn tin một cách tuyệt đối rằng sớm hay muộn sẽ phải có một bảo tàng riêng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông phân tích Đại tướng là một phần của lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng, lịch sử hiện đại của Việt Nam nói chung, là một nhân vật lịch sử tầm cỡ thế giới, vì thế mình không làm thì cũng có nhiều đơn vị và cá nhân sau này sẽ tự xây dựng bảo tàng như vậy.
Với tư cách là bảo tàng đầu ngành của toàn quân, Bảo tàng Quân đội cần phải đi trước, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để khi có điều kiện, chỉ cần tiếp tục bổ sung hiện vật, xây dựng công trình kiến trúc là sẽ có một bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tương xứng với vai trò, vị trí và công lao của ông.
Lặng lẽ sưu tập
Với tôi, công việc sưu tầm hiện vật về Đại tướng bắt đầu từ những ngày còn làm việc tại khu kho hiện vật của bảo tàng ở Lăng Hoàng Cao Khải (Đống Đa, Hà Nội). Tôi nhớ chiều hôm đó, đại tá Hồ Đắc Tư, trưởng phòng kiểm kê bảo quản, gọi tôi lên phòng, giới thiệu với thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giao nhiệm vụ phục vụ ông đến nghiên cứu hiện vật. Biết tôi vốn tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp, ông nhờ tôi giúp thu thập những bức ảnh về Đại tướng. Ông nói đây là việc lớn nhưng cứ làm lặng lẽ thôi, không rùm beng làm gì. Thật không may, ít lâu sau tôi nhận tin ông qua đời.
Chỉ còn lại một mình nhưng tôi quyết tâm làm, vì tôi nghĩ đây là việc làm có ý nghĩa và cũng là cách thực hiện ý nguyện của người đã khuất. Tôi báo cáo riêng với đại tá Phạm Đức Đại và ông đồng ý cho tôi tiếp tục thực hiện việc này.
Ngoài việc tập hợp những bức ảnh về Đại tướng có ở bảo tàng, tôi còn tìm gặp nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, các tướng lĩnh và các cựu chiến binh để sưu tầm thêm phim ảnh và bổ sung thông tin. Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đã giúp tôi bổ sung thông tin những bức ảnh gắn với Đại tướng do ông chụp hồi kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những bức ảnh ông chụp Đại tướng và Bác Hồ trong Chiến dịch Biên giới 1950.
Sau nhiều năm âm thầm thực hiện, tôi đã hoàn thành sưu tập phim ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng. Phim, ảnh tôi đem ra Thông tấn xã Việt Nam chụp và in phóng. Tập hợp lại thành 591 ảnh, tôi dán, chép tay chú thích ảnh đóng thành 12 cuốn với ý định để sáu cuốn lưu lại bảo tàng, sáu cuốn dành tặng Đại tướng.
Năm 1991, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng, tôi được đại tá Phạm Đức Đại cho đi cùng mang theo sưu tập ảnh sang nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu tặng Đại tướng. Cầm những cuốn ảnh của bảo tàng tặng, Đại tướng rất xúc động. Tôi nhớ như in những phút giây đó. Sau này mỗi lần Đại tướng chuẩn bị xuất bản sách, tôi lại được dịp chọn ảnh giúp ông. Thế là cứ mỗi lần in sách xong, tôi lại nhận được một cuốn với bút tích của Đại tướng: “Tặng cháu Trần Thanh Hằng”.
Vô vàn việc phải làm
Sau bộ sưu tập ảnh, suốt những năm 1990 chúng tôi bắt đầu công việc xây dựng sưu tập hiện vật về Đại tướng. Khi ấy, tôi không dám nói mục đích sâu xa của công việc mà chỉ dám thưa với Đại tướng: “Chúng cháu ở Bảo tàng Quân đội, xin phép sang nhà bác để sưu tầm hiện vật chuẩn bị cho trưng bày kỷ niệm Ngày thành lập quân đội”. Đại tướng và phu nhân luôn giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ, đã trao tặng bảo tàng nhiều kỷ vật, tài liệu như ống nhòm, máy điện thoại, thư, trang phục... nay đều trở thành những hiện vật quý giá. Một trong số kỷ vật Đại tướng trân trọng nhất là Huân chương Sao Vàng, tấm huân chương cao quý nhất Nhà nước trao tặng, ông cũng trao lại cho bảo tàng. Duy chỉ có chiếc ống nhòm, Đại tướng có phần phân vân. Ông nói với phu nhân: “Chiếc ống nhòm này tôi luôn dùng đến, tặng bảo tàng, tôi lấy gì dùng”. Biết được câu chuyện, chúng tôi đã tìm những thứ thay thế để Đại tướng sử dụng.
Hồi ấy, chúng tôi luôn gọi Đại tướng là Bác Giáp. “Hôm nay đã sang nhà bác Giáp chưa?”; “Hôm nay bác Giáp vui lắm. Bác cho hẳn cả mấy bộ quân phục...”. Đó là những câu chúng tôi vẫn nói với nhau. Khoảng cách từ Bảo tàng Quân đội sang nhà Bác Giáp rất gần, cùng với tác phong nghiêm cẩn, phong cách bình dị, thái độ gần gũi của Bác đã làm cho chúng tôi cảm thấy công việc thật vui và có ý nghĩa vô cùng.
Tất nhiên, đó chỉ là những viên gạch đầu tiên. Để có được Bảo tàng Võ Nguyên Giáp còn vô vàn việc phải làm. Còn phải tiếp tục sưu tầm hàng nghìn, hàng nghìn hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng vẫn đang nằm rải rác khắp trong các cơ quan, đơn vị, nhà riêng. Còn phải chọn được địa điểm, xây dựng công trình kiến trúc tương xứng, còn phải tính đến phương án duy trì hoạt động của bảo tàng.
Thượng tá Trần Thanh Hằng
(nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam)
http://tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét